TS Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi tọa đàm
Sáng 7/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đảng ủy Đại học Quốc gia TPHCM, Đảng ủy Khối Đại học - Cao đẳng TPHCM tổ chức tọa đàm “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố”.
Chủ trì buổi tọa đàm có TS Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Đại học Quốc gia TPHCM, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM; TS Nguyễn Thị Minh Hồng, Bí thư Đảng ủy Khối Đại học - Cao đẳng TPHCM; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sư phạm TPHCM; ThS Nguyên Huỳnh Long, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM; ThS Võ Sĩ, Phó Bí thư Đảng ủy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM.
Nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả trong công tác chính trị tư tưởng, xây dựng Đảng
Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cho biết, hiện nay trên địa bàn TP có 58 cơ sở giáo dục đại học, 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 2.341 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông chuyên biệt; với tổng số là 36.837 đảng viên, trong đó cán bộ, nhân viên: 7.059 đảng viên; giảng viên, giáo viên: 26.536 đảng viên; sinh viên là 3.188 đảng viên và học sinh là 54 đảng viên. Xác định công tác chính trị tư tưởng trong cơ sở giáo dục đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài, trong thời gian qua, Thành ủy TPHCM đã dành nhiều sự quan tâm chỉ đạo để nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị đối với công tác này. Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã giao cho Ban Tuyên giáo Thành ủy thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan chú trọng đẩy mạnh thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đảng viên, giảng viên, giáo viên, học sinh sinh viên.
Tham luận tại tọa đàm, TS Nguyễn Thiện Duy, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối, đại diện Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học - Cao đẳng TPHCM cho biết, công tác triển khai, quán triệt học tập nghị quyết, chỉ thị… của Đảng luôn được Đảng ủy Khối quan tâm chú trọng. Việc triển khai kết hợp với 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo đa số cán bộ đảng viên cùng học tập, tìm hiểu. Công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, đạo đức cho thế hệ trẻ được quan tâm đẩy mạnh, đa dạng hóa về hình thức, như: Tổ chức các buổi tọa đàm, các câu lạc bộ, các cuộc thi trắc nghiệm, thi tự luận trên mạng Internet; xây dựng và vận hành các trang thông tin điện tử, Fanpage, Group, Facebook; xây dựng và phát triển các ứng dụng trên mạng xã hội và các thiết bị di động thông minh để tuyên truyền cho cán bộ đảng viên đặc biệt là đảng viên trẻ. Đồng thời, tổ chức các hội thi nhằm xây dựng văn hóa đọc; nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập nghị quyết; ý thức tự giác, trách nhiệm của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên đối với việc tự nghiên cứu, học tập nghị quyết, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động, đưa nghị quyết vào đời sống.
TS Hoàng Thùy Linh trình bày tham luận
Tương tự, đại diện Đảng bộ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, đánh giá tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nên Đảng ủy đã giao nhiệm vụ cho Tổ tuyên giáo dân vận xây dựng các chương trình hoạt động, các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong nhà trường. Bên cạnh đó, Đảng ủy chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội trong nhà trường (Công đoàn trường, Đoàn thanh niên trường, Hội Cựu chiến binh) cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, chương trình, nội dung nhằm nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, giảng viên, sinh viên nói chung và đặc biệt đội ngũ cảm tình đảng và đảng viên mới kết nạp. Trong đó, Đảng ủy Trường tổ chức bồi dưỡng, giáo dục, định hướng thông qua các cuộc thi về giáo dục chính trị tư tưởng. Trung bình, mỗi năm có trên 3.000 lượt thi trực tuyến các cuộc thi; hơn 100 đội thi chia làm các đội tuyển thi đấu, vừa tăng tính kết nối giao lưu học hỏi, vừa là giải pháp hiệu quả trong việc tuyên truyền, giáo dục về chính trị tư tưởng; hoặc thông qua các buổi tọa đàm, chương trình gặp gỡ, trao đổi, đối thoại trực tiếp kịp thời lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những trăn trở, thắc mắc của sinh viên, đảng viên, đối tượng đảng trong nhà trường để có những định hướng, trao đổi phù hợp…
Đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị
TS Hoàng Thùy Linh, Giảng viên Bộ môn Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn Lang chia sẻ, hiện nay, trong khi giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, các môn khoa học xã hội nói chung, hầu hết giảng viên sử dụng phương pháp truyền thống, diễn giảng là chủ yếu, thuyết trình, độc thoại, nêu vấn đề, thầy giảng, trò ghi chép; thầy truyền đạt kiến thức, trò thụ động tiếp thu;… Ở góc độ nhất định, người thầy chưa đánh thức được sự đam mê, khả năng tư duy của người học với nền lý thuyết khô khan, ít gắn với thực tiễn, chưa soi rọi vào những vấn đề phức tạp của cuộc sống. Điều đó làm cho sinh viên ít quan tâm đến môn học và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy; nhiều sinh viên coi đây là môn học phụ, môn học “chính trị” bắt buộc nên mục đích học tập của sinh viên mang nặng tính thi cử, trả nợ môn học…
TS Lê Hồng Sơn phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm
Để khắc phục thực trạng trên và những hạn chế, khó khăn trong việc dạy và học môn Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, TS Hoàng Thùy Linh cho rằng cần cấp thiết phải đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hiện dạy học tích cực. Điều đó càng trở nên đặc biệt cần kíp với khối trường ngoài công lập bởi tính đặc thù riêng. Do vậy, với khối trường ngoài công lập, quá trình đổi mới phương pháp cần chú trọng nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy để môn học trở nên thú vị, hấp dẫn và gần gũi hơn với người học.
Phát biểu kết luận, TS Lê Hồng Sơn đánh giá cao những tham luận và ý kiến phát biểu tại tọa đàm. Đồng chí đề nghị, các cấp ủy đảng cần tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện thật hiệu quả 9 nhóm vấn đề trọng tâm được nêu tại Tọa đàm: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và công nhân viên ở các cơ sở giáo dục; Đổi mới phương thức quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương, Thành ủy trong các cơ sở giáo dục; Vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, giáo viên, giảng viên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục, trường học; Sinh hoạt chính trị tư tưởng của các đảng bộ, chi bộ và các đoàn thể trong nhà trường; Công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên chính trị, giảng viên dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục công dân; cải tiến nội dung giáo trình và phương pháp giảng dạy để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục các môn lý luận chính trị; công tác cung cấp thông tin thời sự, các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước cho giáo viên, học sinh, sinh viên;… Đặc biệt, TS Lê Hồng Sơn nhấn mạnh về Công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, giảng viên và sinh viên; Công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên, giáo viên, công nhân viên và học sinh, sinh viên;…