đang tải nội dung...

Bộ mặt mới của chiến lược “diễn biến hòa bình” trong cục diện thế giới hiện nay

13/02/202229.805 lượt xem

TCCS - Trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc. Cùng với sự dịch chuyển trọng tâm quyền lực, các nước lớn cạnh tranh gay gắt, thực hiện can thiệp linh hoạt hơn, kiềm chế, ngăn chặn lẫn nhau để xác lập vị thế. Trong bối cảnh đó, để thực hiện mưu đồ của mình, các thế lực thù địch tiếp tục điều chỉnh chiến lược “diễn biến hòa bình” trên nhiều phương diện ngày càng tinh vi hơn. Nhận diện đúng và vạch trần bộ mặt mới của chiến lược này có ý nghĩa định hướng chiến lược trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam hiện nay.
Cục diện quan hệ quốc tế mới - nguyên nhân của sự điều chỉnh chiến lược “diễn biến hòa bình”

“Diễn biến hòa bình” là chiến lược cơ bản của các thế lực thù địch nhằm lật đổ chế độ chính trị - xã hội của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự(1). Nhìn lại quá trình hình thành, phát triển của chiến lược “diễn biến hòa bình”, có thể thấy không những là một bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của các thế lực thù địch, mà còn chịu sự chi phối, tác động trực tiếp của cục diện quan hệ quốc tế qua các thời kỳ. Ngay từ những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ XX, khi trật tự thế giới hai cực đối đầu dần hình thành, những tư tưởng về “diễn biến hòa bình” đã ra đời để hỗ trợ cho các đòn tiến công quân sự là chủ yếu, nằm trong chiến lược toàn cầu “ngăn chặn” sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Theo thời gian, những tư tưởng về “diễn biến hòa bình” tiếp tục được điều chỉnh và đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, khi các nước xã hội chủ nghĩa gặp nhiều khó khăn, nội bộ phát sinh những vấn đề phức tạp, các thế lực thù địch nhận thấy “thời cơ lịch sử” đã đến và thời điểm này, “diễn biến hòa bình” được đẩy mạnh thực hiện, phát triển, chính thức trở thành một chiến lược - bộ phận quan trọng, chủ yếu trong chiến lược toàn cầu “vượt trên ngăn chặn”.

Đến đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Chiến tranh lạnh kết thúc, trật tự thế giới hai cực đối đầu bị phá vỡ, lợi thế tạm thời nghiêng về phía các lực lượng đối lập với chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, nhân loại đang dần bước vào thời kỳ hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Đây là lúc các thế lực thù địch rút kinh nghiệm, quá trình tiến hành và chiến lược “diễn biến hòa bình” đã có những bước điều chỉnh cơ bản về phương thức, thủ đoạn cho phù hợp với những thay đổi mới của tình hình, khoét sâu thoái trào của chủ nghĩa xã hội hiện thực, chủ yếu thông qua “thẩm thấu hòa bình”, “ngoại giao thân thiện”, hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại... để “hoàn thành nốt mục tiêu” là xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, xác lập lại trật tự thế giới mới do các nước tư bản lãnh đạo, chi phối.

Bộ mặt mới của chiến lược

 “Diễn biến hòa bình” là chiến lược cơ bản của các thế lực thù địch nhằm lật đổ chế độ chính trị - xã hội của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong (Trong ảnh: Biểu tình chống chính phủ đụng độ với cảnh sát chống bạo động trong cuộc biểu tình ở Caracas, Venezuela năm 2017) _Nguồn: nytimes.com


Hiện nay, thế giới đang chứng kiến nhiều sự thay đổi sâu sắc. “Do tác động của đại dịch COVID-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới”(2). Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, dưới nhiều hình thức mới, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Hợp tác, cạnh tranh, sự va chạm, cọ xát, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, các trung tâm quyền lực ngày càng gia tăng. Trong cách thức tiến hành, các nước lớn coi trọng sử dụng “quyền lực thông minh”, kết hợp giữa “quyền lực cứng” (chỉ huy, cưỡng bức, định đoạt dựa trên sức mạnh kinh tế, quân sự) với “quyền lực mềm” (khả năng thuyết phục, thu hút, tạo ảnh hưởng dựa trên sự hấp dẫn của giá trị) một cách uyển chuyển, khôn khéo. Trong bối cảnh quốc tế và các khu vực diễn biến phức tạp, khôn lường đó, để thực hiện mưu đồ của mình, các thế lực thù địch tiếp tục điều chỉnh chiến lược “diễn biến hòa bình” dưới một bộ mặt mới, ngày càng bộc lộ rõ sự tinh vi, xảo quyệt và vô cùng thâm độc.

Bộ mặt mới của chiến lược “diễn biến hòa bình” hiện nay

Thứ nhất, chủ thể và lực lượng tiến hành “diễn biến hòa bình” trong bối cảnh mới rất đa dạng, phức tạp, đan xen, không đồng nhất. Nếu như trước kia, chủ thể tiến hành “diễn biến hòa bình” là chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch thì nay, bên cạnh lực lượng này còn có cả các nước theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi với tư tưởng bành trướng, bá quyền. Để xác lập vị thế vượt trội hoặc tranh giành lợi ích, ảnh hưởng trong trật tự thế giới mới, một số nước lớn thâu tóm hoạt động của các tổ chức, diễn đàn quốc tế, khu vực để lôi kéo, khống chế các nước khác vào vòng kiềm tỏa của mình. Trong một số trường hợp cụ thể, có những nước bất chấp luật pháp quốc tế, trắng trợn xâm phạm chủ quyền, can thiệp sâu vào nội bộ các nước khác bằng các biện pháp tổng hợp nhằm thay đổi bộ máy chính quyền hoặc lật đổ chế độ chính trị nước khác theo hướng có lợi cho mình. Với chủ thể được mở rộng, lực lượng tiến hành sẽ là “đại quân công chúng” ngay trong nội bộ đối phương. Trước kia, khi thực hiện “diễn biến hòa bình”, những kẻ chủ mưu, thù địch, hiếu chiến bên ngoài trực tiếp tiến hành chống phá. Nay, họ chuyển sang hành động “sau bức màn che”, “bí mật giật dây”, tập trung “nhồi nhét” tư tưởng chống đối, đào tạo, huấn luyện những kẻ “theo đóm ăn tàn”, nội gián, tay sai một cách khá bài bản, trở thành những “kỹ sư lành nghề” lật đổ chế độ chính trị ngay trong nội bộ đối phương. Từ đó, họ ngụy biện rằng, nguyên nhân sụp đổ chế độ chính trị do sự tự thân vận động bên trong chứ không phải do sự chống phá từ bên ngoài (?!). Họ móc nối với những đối tượng cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất nhen nhóm thành các tổ chức chính trị đối lập hoạt động công khai, được “ngụy trang” dưới danh nghĩa các hội, đoàn, tổ chức xã hội dân sự... và rêu rao đó là “đại diện của người dân”; tập hợp các phần tử phản động, lưu manh, bất mãn đội lốt các chức sắc, chức việc, già làng, trưởng nhóm, trưởng hội... chỉ chờ cơ hội là “ngóc đầu”, “lột xác”; mua chuộc, lừa gạt, ép buộc quần chúng nhẹ dạ tham gia làm bình phong, lá chắn. Lực lượng này khi bị lôi kéo, kích động hợp thành “đại quân công chúng” tại chỗ, luôn chịu sự chỉ đạo của các “chuyên gia chống cộng” bên ngoài và đương nhiên đó hoàn toàn không phải là quần chúng theo đúng nghĩa là lực lượng cách mạng. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, nhất là trong trường hợp số đông quần chúng nhân dân bị mê hoặc, tin theo lời hứa hão huyền bằng các khẩu hiệu lòe bịp, bị “sập bẫy” giương sẵn của các trung tâm quyền lực, các tổ chức phản động quốc tế luôn rắp tâm “đục nước béo cò”, tạo cớ can thiệp, chống phá.

Thứ hai, đối tượng chống phá của chiến lược “diễn biến hòa bình” được mở rộng và phương thức tiến hành đã có sự chuyển đổi. “Diễn biến hòa bình” trong tình hình mới không những nhằm vào các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa, mà còn chuyển sang chống phá các nước có chế độ chính trị mà chủ thể tiến hành cho là không phù hợp với lợi ích, giá trị, “khuôn mẫu” của họ. Đó là những nước độc lập, có chủ quyền nhưng “cứng đầu”, “không cùng quỹ đạo”, không tuân theo sự chỉ huy, chỉ đạo của họ, không có lợi cho họ trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Đặc biệt, trọng tâm chống phá của chiến lược “diễn biến hòa bình” hiện nay là các nước có vị trí địa chính trị - kinh tế - quân sự chiến lược quan trọng, phức tạp, nhạy cảm hoặc ở những khu vực hội tụ sự cạnh tranh chiến lược, tranh chấp gay gắt về lợi ích, chủ quyền trên thế giới. Tính đa dạng, phức tạp, đan xen không đồng nhất giữa chủ thể và đối tượng được thể hiện trong mối quan hệ này, phạm vi này là chủ thể tiến hành, nhưng có thể trong mối quan hệ khác, phạm vi khác, chủ thể đó lại là đối tượng chống phá.

Phương thức chống phá của chiến lược “diễn biến hòa bình” đã chuyển trọng tâm từ bên ngoài tác động vào bên trong sang tiến hành các hoạt động chống đối tại chỗ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ đối phương. Nếu như những năm qua, “diễn biến hòa bình” coi trọng “dính líu để khuếch trương”, “can dự để mở rộng”, trực tiếp tiếp xúc để thẩm thấu các hành động chống phá từ bên ngoài vào bên trong nước khác thông qua thủ đoạn đặc trưng như “xóa bỏ cấm vận”, xúc tiến “bình thường hóa quan hệ”... thì nay đã chuyển sang tìm mọi cách khai thác và khoét sâu mâu thuẫn nội tại; triệt để lợi dụng những sơ hở, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành xã hội của các nước để chống phá. Như đã thành quy luật, mỗi khi ở các nước là đối tượng chống phá diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại, xuất hiện các “điểm nóng”, các vấn đề xã hội phức tạp, nhạy cảm... thì đó là “cơ hội vàng” để các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”. Họ sử dụng chính lực lượng, phương tiện của đối phương; kết hợp công khai với bí mật; thực hiện đánh ngầm, mềm, sâu, hiểm, tiến công toàn diện, có trọng điểm; thường núp dưới danh nghĩa “hiến kế”, “chống tham nhũng”, “góp ý kiến xây dựng”... để lũng đoạn đối phương. Trong đó, lĩnh vực chính trị, tư tưởng được họ xác định là khâu trọng tâm, đột phá; kinh tế là mũi nhọn; dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền là “ngòi nổ”; ngoại giao để hỗ trợ; quân sự để răn đe, hậu thuẫn. Trong quá trình thực hiện, khi có điều kiện, thời cơ và cần thiết sẽ kết hợp với bạo loạn lật đổ, gây xung đột, nội chiến, can thiệp vũ trang, chiến tranh ủy nhiệm... để nhanh chóng đạt được mục tiêu chiến lược. Cách thức tiến hành rất công phu, bài bản để che đậy tính chất chính trị phản động, “ru ngủ” tinh thần cảnh giác cách mạng, làm cho đối phương mơ hồ, mất cảnh giác; mưu toan từng bước tạo sự suy thoái về tư tưởng chính trị, mục ruỗng về bộ máy, xuất hiện các mầm mống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở từng cá nhân, trong nội bộ các tổ chức và toàn xã hội và cuối cùng là sự sụp đổ chế độ chính trị giống như sự vận động “tự thân”, “tất yếu”, “hợp quy luật”.

Thứ ba, mục tiêu và động cơ chính trị của chiến lược “diễn biến hòa bình” đã có sự dịch chuyển và mở rộng hơn. Mặc dù mục tiêu cao nhất, suy đến cùng của chiến lược “diễn biến hòa bình” là lật đổ chế độ chính trị xã hội của các nước “không cùng quỹ đạo”, nhưng hiện nay, do sự tác động của các mối quan hệ quốc tế phức tạp, đa tầng nấc, nhiều cấp độ giữa các nước, các tổ chức, sự chế ước của các quy tắc, chế định quốc tế, khu vực; khi chưa lật đổ được chế độ chính trị thì “diễn biến hòa bình” sẽ nhằm đến mục tiêu thấp hơn là thay đổi đường lối, chính sách; cài cắm lực lượng thân cận vào bộ máy cầm quyền; làm phức tạp hóa thành phần lãnh đạo; thay đổi tính chất quốc gia, dân tộc khác theo hướng phục vụ lợi ích của chủ thể tiến hành. Trong đó, thay đổi bộ máy cầm quyền nước khác là mục tiêu trọng yếu hiện nay và để làm được điều này, chiến lược “diễn biến hòa bình” đã có những điều chỉnh mới gắn với “công nghệ lật đổ” cực kỳ tinh vi, phản động.

Từ sự ra đời của học thuyết chính trị “phản kháng phi bạo lực” (phản kháng hòa bình)(3), ngay lập tức, các “nhà dân chủ”, “nhà tiến bộ xã hội” phương Tây coi đó là “bảo bối thần kỳ”, “công cụ hữu hiệu” để lật đổ chính quyền ở nhiều quốc gia trong không gian hậu Xô-viết thông qua cái gọi là “cách mạng sắc màu” vào những năm 2004 - 2006; sau đó thay đổi chính thể của hàng loạt quốc gia ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi vào năm 2011 với cái tên mĩ miều “Mùa xuân Ả rập”. Đó không có gì khác là bạo loạn phi vũ trang bắt nguồn từ “diễn biến hòa bình”, là “kỹ năng lật đổ” thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh - một “dị bản” của việc kết hợp “diễn biến hòa bình” với bạo loạn lật đổ. Và hiện nay, “dị bản” ấy tiếp tục được “hoàn thiện”, phát triển thành một kịch bản dựng sẵn với “công thức” lật đổ qua các bước: Một là, hình thành các hoạt động “phản kháng mềm” trong nội bộ đối phương do sự cộng hưởng theo các phương tiện truyền thông; kích động tâm lý đám đông, tổ chức người dân tụ tập, tuần hành, biểu tình, “bất tuân dân sự”, đi ngược lại chính sách hiện hành, chống đối chính phủ, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo ra các “điểm nóng”, bất ổn. Hai là, nội công ngoại kích, bên trong thì biểu tình, bạo động; bên ngoài thì tập hợp đồng minh, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ... đồng loạt gây sức ép trên tất cả các lĩnh vực buộc chính quyền đương thời phải từ chức, giải tán. Ba là, tạo cớ để can thiệp, tiến hành bạo loạn trực tiếp lật đổ chính quyền nhưng núp dưới danh nghĩa “bảo vệ người dân”, “đấu tranh vì tự do, dân chủ”, “vì công lý”... Bốn là, cài cắm lực lượng đối lập, nhanh chóng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân, bầu cử; công khai ủng hộ, công nhận chính quyền mới của lực lượng đối lập chịu sự kiểm soát của họ. Điểm mấu chốt trong kịch bản này là họ cố tình “bới móc”, lôi ra điểm yếu trong bộ máy cầm quyền của đối phương; thậm chí không ngần ngại thêm thắt, bịa đặt các khuyết điểm; sẵn sàng gán tất cả những sai trái, tiêu cực trong xã hội; châm ngòi cho làn sóng chống đối trong nước và làm cho bộ máy ấy dường như đã biến chất, “lỗi thời, không phù hợp”, do đó sẽ bị thay thế và đó là “lẽ thường tình” theo đúng quy luật(?!). Cho nên, một bộ máy cầm quyền thân cận do họ dựng lên nhưng lại được “hợp pháp hóa” thông qua một cuộc bầu cử theo luật định vô cùng tinh vi và họ luôn tự hào coi đây là sản phẩm sáng tạo của “công nghệ lật đổ” thông qua biểu tình, đảo chính bằng mô hình “bạo lực đường phố”. Theo đó, có tới “198 hành động phản kháng phi bạo lực”(4), nhưng trong đó bao hàm cả các hành động vô nhân đạo, bị pháp luật nhiều nước nghiêm cấm như làm tiền giả, in sao tài liệu giả, cướp bóc, ám sát, khủng bố... chứ không hoàn toàn phi bạo lực và không loại trừ sau đó sẽ lan rộng, bùng phát thành một kiểu dạng “chiến tranh lai ghép”(5) mới.

Bộ mặt mới của chiến lược
 "Cuộc chiến tranh lai ghép" ở Syria bắt nguồn từ “Mùa xuân Ả rập” nhằm thay đổi chính thể của hàng loạt quốc gia ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi vào năm 2011 _Ảnh: Reuters


Từ sự mở rộng về mục tiêu làm cho động cơ chính trị của chiến lược “diễn biến hòa bình” trong sự dịch chuyển và cạnh tranh quyền lực cũng có sự mở rộng và thay đổi theo. Nếu như “diễn biến hòa bình” trước đây chủ yếu là đấu tranh ý thức hệ chính trị giai cấp; đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; thì hiện nay nó đã được mở rộng và chuyển sang cả “đấu tranh” vì lợi ích dân tộc cục bộ, hẹp hòi; cạnh tranh chiến lược để xác lập vị thế ảnh hưởng.

Thứ tư, đối với biện pháp tiến hành “diễn biến hòa bình” hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng “công cụ mềm”, “quyền lực thông minh” thay cho chính sách “cây gậy và củ cà rốt” kém hiệu quả trước đây. Đây là những biện pháp mới, rất linh hoạt, mang tính tổng hợp trên các phương diện và nảy sinh trong xu thế các nước thay đổi cách thức sử dụng quyền lực và sự trỗi dậy của trào lưu dân túy, xu hướng bảo hộ thương mại trong quan hệ quốc tế. Thực hiện tiến công toàn diện, có trọng điểm song “diễn biến hòa bình” ngày càng coi trọng các “công cụ mềm” và “quyền lực thông minh” nhằm vào các lĩnh vực chính trị tư tưởng, kinh tế, văn hóa - xã hội, ngoại giao, nhất là vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để từng bước chuyển hóa đối phương, giành “chiến thắng mà không cần chiến tranh”. Trọng tâm ở bên trong các nước thì họ tìm mọi cách khoét sâu mâu thuẫn, phân hóa nội bộ, tạo ra những “khoảng trống” quyền lực, đẩy đối phương vào vòng bất ổn. Bên ngoài, vẫn hỗ trợ bằng việc tạo áp lực, tăng cường lôi kéo, khống chế, từng bước gây ảnh hưởng có lợi cho họ. Cách thức tiến hành rất tinh vi, khó nhận diện; có lúc dụ dỗ, mua chuộc bằng vật chất; lúc thì núp dưới danh nghĩa hoạt động từ thiện, nhân đạo; có khi kêu gọi mở rộng tự do, dân chủ, nhân quyền, thúc đẩy quan hệ đối tác; đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; nhiều khi lại ngấm ngầm thao túng, khống chế về tài chính, từng bước ép buộc đối phương lệ thuộc về chính trị. Chiến lược chống phá từ từ, dần dần theo cách “mưa dầm thấm lâu”. Phương châm hành động mềm dẻo, linh hoạt, “đối thoại thay đối đầu”, “bắt tay thay súng đạn”, không phô trương rầm rộ, nhìn hình thức biểu hiện bên ngoài ít khốc liệt, không tàn phá như chiến tranh vũ lực; thậm chí có vẻ “gần gũi”, “thân thiện” trong một “thế giới phẳng” nhưng bản chất thì đang âm thầm đẩy đối phương xuống đáy “vũng lầy” của sự khủng hoảng và dẫn đến đổ vỡ ngay từ bên trong.

Thứ năm, về công cụ mới để thực hiện “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch coi trọng sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông. Trước sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong kỷ nguyên thông tin của thời đại toàn cầu hóa và với quan điểm “một đài phát thanh cũng có thể bình định được một nước, một đô la chi cho tuyên truyền có hiệu quả hơn năm đô la chi cho quân sự” nên thứ “vũ khí” hữu hiệu được các thế lực thù địch coi trọng sử dụng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” hiện nay là các phương tiện thông tin, truyền thông, báo chí, xuất bản, nhất là các phương tiện có chương trình tiếng Việt để thực hiện bôi nhọ, vu cáo, đả kích Việt Nam(6). Trong đó, họ ngày càng coi trọng các trang mạng xã hội, internet - một phương tiện truyền thông có tốc độ nhanh, sức lan tỏa mạnh đối với công chúng. Thực tế ở nước ta gần đây đã xuất hiện khá nhiều các website, blog, phát tán quan điểm trái chiều, xuyên tạc. Với cách thức tiến hành khá công phu, tinh xảo; dựa vào một số sự kiện đã diễn ra, họ nhào nặn bằng các chi tiết “sặc mùi” chính trị phản động; thêm bớt những “số liệu” không thể kiểm chứng, kèm theo trích dẫn “kim, cổ, đông, tây”, giả danh khoa học; sử dụng công nghệ chèn các tư liệu, hình ảnh đã bị cắt ghép, chỉnh sửa, “live stream”... tạo ra những sự kiện “giật gân”, thông tin “câu khách”, gợi trí tò mò của dư luận; cố tình đổi trắng thay đen, biến không thành có, rồi suy diễn, bình luận theo kiểu làm “sáng tỏ vấn đề”. Tần suất các luận điệu thâm độc đó ngày càng gia tăng cả về lưu lượng, cấp độ, mật độ; thực hiện “bôi nhiều sẽ bẩn”, “nói lắm phải tin”, tung “hỏa mù” nhằm gây tâm lý hoài nghi, dao động trong xã hội; từng bước hướng cộng đồng đến những suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến “tự diễn biến”, dần xuất hiện những hành vi “lệch chuẩn” và rơi vào “tự chuyển hóa” lúc nào không hay.

Bộ mặt mới của chiến lược
 Các thế lực thù địch lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” _Ảnh: shutterstock.com
Việt Nam vẫn là trọng điểm chống phá của “diễn biến hòa bình”

Cho dù có “khoác tấm áo mới” thì bản chất thực sự của chiến lược “diễn biến hòa bình” vẫn là hoạt động chống phá của các lực lượng thù địch; vẫn là một kiểu “chiến tranh không có tiếng súng” nhưng vô cùng nguy hiểm với tính chất chính trị phản động, dân tộc chủ nghĩa, toàn cầu, phi vũ trang. Đã từng cay đắng thất bại trong chiến tranh, nay các thế lực thù địch lớn tiếng tuyên bố sẽ “thắng trong hòa bình”, “thắng bằng kinh tế thị trường” và Việt Nam vẫn là tiêu điểm, vẫn hội tụ đủ các yếu tố là trọng tâm chống phá của những thủ đoạn mới trên đây. Bởi lẽ, là một nước xã hội chủ nghĩa luôn tiên phong trong phong trào độc lập dân tộc, không chịu lệ thuộc vào bên ngoài, Việt Nam nắm giữ vị trí địa kinh tế - chính trị - quân sự chiến lược quan trọng trong khu vực, lại nằm ở vị trí địa - chiến lược, trung tâm của cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Hơn nữa, những thành tựu hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế đã tăng cường vị thế, uy tín, tiềm lực, thực lực và sức mạnh tổng hợp của đất nước ta, tuy nhiên trong nội bộ, hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tệ nạn xã hội... còn diễn biến khá phức tạp. Thêm vào đó, thay đổi được chế độ chính trị, bộ máy cầm quyền ở Việt Nam, các thế lực thù địch sẽ có nhiều lợi thế khi thực hiện các mưu đồ chính trị mới trong thế giới đương đại. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” vẫn là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, tiếp tục diễn ra vô cùng phức tạp, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Vấn đề quan trọng có ý nghĩa định hướng chiến lược trong cuộc chiến này là phải tăng cường nghiên cứu, dự báo, đánh giá và nhận diện đúng bộ mặt thật, “bình mới, rượu cũ” của chiến lược “diễn biến hòa bình”; đồng thời, xác định đấu tranh phòng, chống, làm thất bại “diễn biến hòa bình” là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hàng đầu trong các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của mọi tổ chức, mọi lực lượng, các cấp, các ngành, các địa phương. Về cơ bản lâu dài, kiên quyết đấu tranh, kiên trì quán triệt, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, quan điểm, phương châm, giải pháp đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của Đảng và Nhà nước đã xác định, trong đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thống nhất nhận thức và tư tưởng, hành động, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là cơ sở nền tảng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là giải pháp đột phá, nhất là khi “diễn biến hòa bình” đã chuyển trọng tâm, thay vì tác động từ bên ngoài vào sang tiến hành các hoạt động chống đối tại chỗ, thúc đẩy chúng ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Mũi nhọn xung kích chính là vũ khí phê phán thông qua đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Và cho dù “diễn biến hòa bình” có thay đổi phương thức, điều chỉnh thủ đoạn, diễn biến theo chiều hướng nào, mang bộ mặt nào đi nữa thì mục tiêu cuối cùng của họ không có gì khác là hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, hòng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, tập trung xây dựng Đảng vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” gắn với ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là vấn đề mang tính nguyên tắc, giữ vai trò quyết định trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam trong tình hình mới./.

Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/bo-mat-moi-cua-chien-luoc-dien-bien-hoa-binh-trong-cuc-dien-the-gioi-hien-nay

---------------------

(1) Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 303
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I,
tr. 30 - 31
(3) Học thuyết này dựa trên nội dung cuốn sách “Từ độc tài đến dân chủ” (From dictatorship to democracy) do Giên Sáp-pơ - một nhà hoạt động xã hội ở Mỹ, Giáo sư Đại học Massachusettes Dartmouth (Mỹ) viết về phong trào dân chủ ở Mi-an-ma năm 1993 sau khi bà A-ung San Su Ky, lãnh tụ phe đối lập, Chủ tịch Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ Mi-an-ma bị chính quyền cầm tù
(4) “198 methods of nonviolent action” - Đây cũng là một cuốn sách đã xuất bản của Giên Sáp-pơ
(5) Một dạng thức chiến tranh mà chủ thể tiến hành sử dụng chủ yếu các biện pháp phi quân sự được hỗ trợ bằng hành động quân sự với mục đích lật đổ chính quyền đương nhiệm của một quốc gia không cùng quỹ đạo; bắt đầu bằng “diễn biến hòa bình” tạo bất ổn, gây biến động, bạo loạn, khủng bố, xung đột, nội chiến, can thiệp quân sự... và kết thúc bằng hành động xâm lược quy mô lớn 
(6) Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ an ninh quân đội, hiện nay, các thế lực thù địch đang sử dụng trên 40 đài phát thanh, truyền hình; 400 tờ báo và tạp chí tiếng Việt; 66 nhà xuất bản để tuyên truyền chống phá Việt Nam
 
 
 

TRẦN ĐỨC TIẾN - LƯU MẠNH HÙNG - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Các tin khác
Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị cán bộ, viên chức, người lao động năm 2024   
(19/12/2024) Sáng ngày 18/12/2024, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, ĐHQG-HCM tổ chức Hội nghị cán bộ, viên chức, người lao động năm 2024
Hội đồng Quản lý Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, ĐHQG-HCM tiến hành kỳ họp lần thứ hai
(06/12/2024) Sáng ngày 05/12/2024, Hội đồng quản lý Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh tiến hành kỳ họp thứ hai; TS. Đỗ Đại Thắng Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm GDQPAN chủ trì hội nghị.  
Họp mặt kỷ niệm 66 năm Ngày Giáo dục Quốc phòng và An ninh (19/11/1958 – 19/11/2024), 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)
(21/11/2024) Chiều ngày 20/11, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (GDQPAN), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) tổ chức họp mặt kỷ niệm 66 năm Ngày Giáo dục Quốc phòng và An ninh (19/11/1958 – 19/11/2024), 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024). 
sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tham quan và tìm hiểu về lịch sử hào hùng tại Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Miền Đông.
(21/11/2024) Ngày 13/11/2024, các bạn sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đang học tập tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, ĐHQG-HCM đã có dịp tham quan và tìm hiểu về lịch sử hào hùng tại Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Miền Đông.
Phản bác luận điệu xuyên tạc về dân chủ và chế độ Chính trị Việt Nam
(21/11/2024) Trong thời gian qua, Nguyễn Gia Kiểng không chỉ là cái tên quen thuộc đối với đội ngũ làm công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận, mà còn được biết đến như một nhân vật thường xuyên xuyên tạc, bóp méo chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như chính sách và pháp luật của Nhà nước. Gần đây, trên trang Thông Luận, Nguyễn Gia Kiểng đã đăng tải bài viết với tiêu đề “MỘT CỘT MỐC LỚN CẦN ĐƯỢC NHÌN RÕ”.
Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản Thành phố Hồ Chí Minh: Đấu giá quyền thuê 03 mặt bằng của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh
(18/11/2024) Đấu giá quyền thuê 03 mặt bằng của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh theo Đề án sử dụng tài sản công tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh vào mục đích cho thuê (Bán riêng từng tài sản). Link: https://taisancong.vn/trung-tam-dich-vu-dau-gia-tai-san-thanh-pho-ho-chi-minh-dau-gia-quyen-thue-03-mat-bang-cua-trung-tam-giao-duc-quoc-phong-va-an-ninh-38587.html Chị tiết theo file đính kèm./.
Thông báo việc đấu giá đối với danh mục tài sản
(13/11/2024) Thông báo việc đấu giá đối với danh mục tài sản: Quyền thuê Mặt bằng Nhà ăn sinh viên 1 của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh theo Đề án sử dụng tài sản công tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh vào mục đích cho thuê,Quyền thuê Mặt bằng đặt máy bán hàng tự động (07 cái) và xe đẩy (03 cá...
Đại học Quốc gia TP.HCM: Tổ chức tập huấn, hội thao cán bộ Ban Chỉ huy quân sự các đơn vị thành viên và trực thuộc năm 2024
(21/10/2024) sáng 18/10, tại Sư đoàn Bộ binh 5, Quân khu 7 (thuộc xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), Ban CHQS ĐHQG-HCM tổ chức khai mạc tập huấn, hội thao cán bộ Ban Chỉ huy quân sự các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQG-HCM năm 2024. 
Công đoàn Trung tâm GDQPAN: Gặp mặt kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2024
(18/10/2024) Chiều 17/10, Công đoàn Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (GDQPAN), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2024) và kỷ niệm 14 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2010 – 20/10/2024)
Đại học Quốc gia TP.HCM: 30 năm vẫn chưa xong hạ tầng
(07/10/2024) Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, dự án Đại học Quốc gia TP.HCM đã hình thành diện mạo một đô thị đại học hiện đại đầu tiên của cả nước với các cụm trường, ký túc xá, khu nghiên cứu... khang trang.
Đọc nhiều nhất
Số 1, Lê Quý Đôn, Khu đô thị Đại học Quốc gia TP. HCM, phường Đông Hòa, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Việt Nam
Phòng Tổ chức - Hành chính: 028 6272 8214 - Email:
Phòng Đào tạo: 028 6272 8217 - Email:
Phòng Quản lý sinh viên: 028 6272 8202 - Email:
ĐANG ONLINE:
3
LƯỢT TRUY CẬP:
3.096.325
© 2024 Bản quyền thuộc về Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
  VỀ ĐẦU TRANG