Giáo dục Quốc phòng và An ninh cho thế hệ trẻ Việt Nam là một nội dung quan trọng trong quan điểm bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhà nước ta nhằm tu dưỡng đạo đức Cách mạng, tinh thần yêu nước cho tuổ trẻ cả nước nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng về đường lối, quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nếp sống kỷ luật và nghiêm minh của Quân đội. Chúng em - Sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM lần này có cơ hội được học tập và trải nghiệm môi trường quân đội trong vòng 4 tuần (02 tuần học trực tiếp và 2 tuần học trực tuyến). Kỳ học quân sự lần này đã cho chúng em được trải nghiệm về môi trường quân sự, được rèn luyện, được học tập, được hiểu hơn về giá trị của độc lập, tự do, nắm được đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, từ đó xác định trách nhiệm của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ngay từ khi nhận được kế hoạch của Nhà trường về học quân sự tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên chúng em vừa mừng, vừa lo; mừng là lần đầu tiên được bước vào môi trường quân đội, được mặc trên mình “màu xanh áo lính”, lo là không biết về học mình sẽ phải chuẩn bị những gì? môi trường quân sự có khắt khe lắm không? chúng tôi có đủ sức khoẻ để “lăn, lê , bò, trườn” không? vì chúng em mới chỉ nghe “quân đội là kỷ luật sắt”…, và hết lo lắng này đến lo lắng khác cứ hiện lên trong chúng em, những lo lắng ấy là không thể tránh khỏi đối với chúng em - những nữ sinh mới rời ghế nhà trường để bước vào giảng đường đại học, và đây cũng là lần xa nhà đầu tiên của chúng em.
Và rồi những bỡ ngỡ ấy trong chúng em dần được giải toả khi “gặp” thầy chủ nhiệm trên group Đại đội 1-Khoá 417, thay vào đó là sự hào hứng để sẵn sàng bước vào kỳ học quân sự. Chúng e còn nhớ rất rõ là vào sáng ngày 10/01/2023, thầy lập nhóm group Đại đội 1-Khoá 417 để các e tham gia, thầy giới thiệu thầy là Thượng tá Phạm Ngọc Tuấn, là giáo viên chủ nhiệm của Đại đội 1 chúng em, thầy gửi số điện thoại cùng tấm hình mặc quân phục rất oai phong và nghiêm trang; qua lời giới thiệu và hình ảnh thầy gửi, chúng em thấy gần gũi, nhẹ nhàng, cảm giác sợ sệt trong chúng em dần dần tan biến (vì cứ nghe câu quân đội là “quân lệnh như sơn”, “kỷ luật là mệnh lệnh không lời” nên chúng em rất sợ). Những ngày tiếp theo thầy hướng dẫn chúng em đăng ký quân trang, gửi cho chúng em “Quy định khi học tập tại trung tâm”, “Kế hoạch tiếp nhận khóa 417”, “Hướng dẫn gấp xếp nội vụ”… và dặn chúng em đọc kỹ để thực hiện. Mỗi ngày thầy đều tương tác với chúng em, mỗi lần vào group thầy lại hỏi thăm các em đã nắm được quy định chưa, có vấn đề gì chưa rõ thì hỏi để thầy giải đáp; thầy nhắc chúng em cần chuẩn bị những gì, mang theo vật dụng cá nhân gọn gàng, đủ sinh hoạt trong 2 tuần, những vật chất gì ở phòng ở nội trú đã có…mỗi lần như vậy thầy lại gửi một tấm hình về Trung tâm, khi thì hình ảnh khuôn viên Trung tâm GDQPAN có toà nhà thật lớn (sau khi về học chúng e mới biết đó là toà nhà Giảng đường A2), khi thì hình ảnh sinh viên đứng thành khối đội ngũ lúc làm lễ chào cờ đầu tuần, khi thì hình ảnh một số hoạt động ngoại khoá như thi gấp nội vụ, thi kéo co, thi đấu bóng chuyền…và đặc biệt là cảnh hồ cá rất rộng và đẹp có chữ “I LOVE (trái tim) QPAN” để chúng em checkin, những chi tiết ấy càng làm cho chúng em hào hứng, mong nhanh đến ngày nhập học để được khám phá những gì chúng em mới được nghe và nhìn qua hình ảnh tại Trung tâm GDQPAN. Gần với ngày nhập học (trước tết Nguyên đán), thầy luôn căn dặn chúng em đi lại ngày Tết cho an toàn, chuẩn bị mua vé tàu, xe, máy bay…, chọn phương tiện phù hợp để nhập học đúng thời gian quy định, và lần đầu tiên chúng em nghe thầy ra lệnh: “Thầy không chấp nhận bất cứ lý do gì (không có vé tàu, xe, kẹt xe, xe hỏng...), nếu các em chậm giờ tổ chức biên chế”, chúng em nghĩ, đây đúng là “quân lệnh như sơn” và nhắc nhau thực hiện đúng “lệnh”. Bẵng đi 3 hôm không thấy thầy lên “Group Đại đội”, chúng em nghĩ chắc thầy bận công việc gì đó, cho tới đêm giao thừa, sau khi nghe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết xong, mở điện thoại ra em đã thấy lời chúc Tết của thầy, với em thì thầy là người đầu tiên “xông nhà” điện thoại của em trong năm mới; sau Tết thầy lại nhắc nhở chúng em chuẩn bị để vào nhập học, và còn nhắc chúng em: “nhớ mang đôi giày trắng như thầy đã dặn các em nhé”, và trước ngày các em nhập học 1 ngày (tức ngày 29/01/2023), thầy gửi định vị, sơ đồ Trung tâm và vị trí tổ chức biên chế để các em đến đúng địa điểm.
Đến ngày nhập học, sáng ngày 30/01/2023, sau gần một giờ di chuyển, em và một nhóm bạn trong lớp đã đến Trung tâm, chúng em đến sớm nên khuôn viên của Trung tâm chỉ lác đác một số bạn đang đi bộ kéo theo va ly, khuôn viên rất rộng, hồ cá buổi sáng nhìn vẫn mờ mờ, ảo ảo, và những hình ảnh mà thầy chủ nhiệm gửi lên grup cách đây 2 tuần đã hiện rõ trước mặt em và các bạn. Sau những ngày Tết, cảnh vật vẫn đang đầy sắc xuân. Đến vị trí sân nhà B3 (vị trí biên chế), chúng tôi được gặp thầy, không phải là bộ quân phục Thượng tá oai phong, nghiêm trang như hình thầy gửi, mà thầy mặc quần tây, áo sơ mi rất đời thường đang đeo chiếc máy thổi lá trên lưng, thầy thổi lá và bụi ở sân để chúng em ngồi biên chế. Đúng 07g15 thầy chủ nhiệm trong bộ đồ quân phục, tay cầm cuốn sổ, ra sân và hướng dẫn bạn đại đội trưởng tập hợp đội hình. Sau những lời chào hỏi, chúc mừng năm mới, thầy hỏi các em ăn Tết thế nào, vui không, bạn nào ở xa nhất…, những lời thăm hỏi ân cần của thầy khiến chúng em cảm thấy gần gũi giống như người cha, người chú của mình, sau đó là màn “kiểm tra quân số”, thầy cho từng tiểu đội đứng dậy và gọi tên từng người, điểm danh hết tiểu đội 10, thầy cười và nói “Trừ 02 bạn bảo lưu kết quả, quân số đại đội chúng ta có mặt đủ 118 bạn, thầy chúc mừng các em đã thực hiện đúng mệnh lệnh của thầy” (chúng em hiểu trước đó thầy đã nói là không chấp nhận lý do đến trễ của chúng em). Sau khi kiểm tra quân số, thầy giới thiệu về tổ chức, biên chế Trung tâm, các khu vực giảng đường, bãi tập và quán triệt lại các nội dung quy định khi học tập tại Trung tâm, chấp hành kỷ luật, ăn uống, sắp xếp trật tự nội vụ trong phòng ở, thầy cẩn thận dặn dò các em về tác phong mang mặc, ngôn từ ứng xử, các thủ tục nhận phòng, đổi trả, quét mã quân trang... Cuối cùng thầy hướng dẫn cho chúng em cách gấp xếp nội vụ, và đặc biệt chúng em nhớ nhất câu nói của thầy: “đại đội 1 chúng ta là một gia đình, các em coi thầy như người cha, người chú của mình trong gia đình, có vấn đề gì các em cứ gặp thầy trao đổi để thầy hướng dẫn, không phải gọi điện về gia đình…”.
Đến hôm nay, chúng em đã trải qua gần 02 tuần học tập tại Trung tâm, kỳ quân sự lần này, chúng tôi nhận được sự chỉ huy và hướng dẫn tận tâm của giáo viên chủ nhiệm là Thượng tá Phạm Ngọc Tuấn. Thầy là người đảm nhận việc chỉ huy, quản lý, hướng dẫn chúng tôi thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình chúng em học tập môn giáo dục quốc phòng tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Được sự chỉ dẫn tận tâm của thầy, chúng em càng cảm thấy yêu quý những “người lái đò” dìu dắt từng thế hệ sinh viên về nếp sống kỷ luật, về lòng yêu nước, truyền đi ngọn lửa nhiệt huyết về trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ mai sau.
Thầy Tuấn không chỉ là một người thầy mà còn là người cha kính mến của chúng tôi. Phong thái mà thầy mang đến khi giảng dạy cho chúng tôi vô cùng uy nghiêm nhưng cũng không kém phần ấm áp. Khi thầy lên lớp giảng bài, phong thái của thầy rất nghiêm trang và đĩnh đạc, giọng của thầy to, rõ mặc dù thầy không sử dụng loa.
Nếu đại văn hào Victor Hugo từng cảm thán: “Thứ người ta thường thiếu là ý chí chứ không phải sức mạnh”, thì tại sao không thể nói rằng người truyền cho ta ý chí chính là người mang đến cho ta sức mạnh thực sự? Và nếu điều đó đúng thì thầy Tuấn chính là minh chứng sáng ngời cho điều ấy, chúng em được “tiếp lửa ý chí” từ người thầy chủ nhiệm này, quả không sai với câu nói:
“Người thầy trung bình chỉ biết nói
Người thầy xuất chúng biết minh họa
Người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng”
Ngoài ra thầy Phạm Ngọc Tuấn còn là một người vô cùng tận tụy, theo sát học viên, không ngừng nhắc nhở và đốc thúc chúng em về quét mã quân trang, gấp xếp nội vụ, vệ sinh trong phòng ở, tác phong đi học, đội hình lên xuống lớp phải đi theo đội hình đội ngũ...Thầy dặn dò ban cán sự lớp kỹ lưỡng và luôn cung cấp thông tin kip thời, nhanh chóng, thầy luôn giải đáp mọi thắc mắc của chúng em để có môi trường sinh hoạt, học tập hiệu quả nhất.
Nhìn bề ngoài có vẻ thầy là người khó gần gũi, nghiêm khắc nhưng thực tế thầy là người thầy vô cùng tâm lý, thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, động viên các em cố gắng trong học tập và rèn luyện, rất linh hoạt trong mọi tình huống mà không hề cứng nhắc, thầy hướng dẫn các em tham gia các hoạt động ngoại khoá, tổ chức luyện tập bóng chuyền, tập văn nghệ, thu gom phân loại rác tái chế, chính vì vậy mà Đại đội 1 chúng em đạt giải 3 bóng chuyền nữ, thu gom rác tái chế được hơn 40 kg (nhiều nhất trong 20 Đại đội), và trong đêm gala hôm nay, Đại đội 1 với một tiết mục hát múa đặc sắc, các bạn sinh viên đã bầu chọn là tiết mục hay nhất và được Ban Tổ chức cấp giấy chứng nhận “GIẢI ẤN TƯỢNG” của đêm gala tổng kết. Ngoài ra mỗi buổi sinh hoạt cùng lớp, thầy luôn mang đến cho chúng em bầu không khí vui tươi, hứng khởi để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao, thầy không gắt gao, căng thẳng mỗi khi chúng em có sai sót mà thầy nhẹ nhàng phân tích để chúng em hiểu, và sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến khiếu hài hước, luôn quăng “măng miếng” tạo cho đại đội những tiếng cười hồn nhiên, vui vẻ sau những giờ học mệt mỏi trên thao trường. Những phút giây ấy tạo cho kỳ học quân sự này thêm những kỷ niệm thật quý giá biết bao! Thầy Tuấn chủ nhiệm Đại đội 1 của chúng em là thế.
Nếu được hỏi có điều gì khiến mình phải hối tiếc khi tham gia kỳ học quân sự này? Chúng em sẽ không ngần ngại đáp: “Không!”. Bởi trên chuyến hành trình này, Đại đội 1 chúng em đã có thầy - người luôn đồng hành cùng chúng em trong tất cả các nhiệm vụ. Tập thể Đại đội 1 xin gửi đến thầy Tuấn lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất. Mong thầy có thật nhiều sức khỏe, luôn giữ sự nhiệt huyết để tiếp tục thắp sáng và “truyền lửa” cho các thế hệ sinh viên sau này trong sự ngiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, và hứa với thầy sau khi chúng em tốt nghiệp đại học, chúng em sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần.
Thay cho lời kết, em xin được trích một câu trong bài hát “Khát vọng tuổi trẻ” của Nhạc sỹ Vũ Hoàng: “…Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…”, đây cũng chính là thông điệp của Đại đội 1/Khoá 417/Khoa Báo chí/Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn muốn gửi đến toàn thể các bạn sinh viên. Xin trân trọng cảm ơn./.